THẦY BÓI THỜI CÔNG NGHỆ 4.0


THẦY BÓI THỜI CÔNG NGHỆ 4.0

THẦY BÓI THỜI CÔNG NGHỆ 4.0

1/ Nghề hình thành khi nhu cầu xã hội còn cần người làm. Vì vậy, để đáp ứng được nhu cầu của công dân thời @, hướng tới hội nhập công nghệ 4.0, thầy bói không thể chỉ biết sờ voi như trong cổ tích. Để lý giải cho đám trẻ đang chờ đợi kết quả tuyển sinh, thầy bói phải cập nhật thông tin điểm chuẩn các trường năm trước. Để lý giải cho nhóm khách hàng trung niên về gia đạo, tình duyên, thầy bói phải siêng năng đọc báo, cập nhật thông tin về dự án bất động sản, cũng cần lấy văn bằng 2 cử nhân luật, văn bằng 2 cử nhân tâm lý. Vì sao, khách hàng có người là Cử nhân/ Thạc sĩ/ Tiến sĩ ... có học qua (và thi lại) triết học biện chứng, thầy mà nói thiếu lý lẽ, thiếu cơ sở khoa học và pháp lý, khách hàng đâu có chịu nghe !!!

2/ Nghề bói cũng vất vả lắm nghe. Xưa, 25 năm trước, đường ra Cư xá Thanh Đa còn vắng lắm. Mà có bà chị nhà ở Bà Quẹo, 20 giờ rồi, hỏi mình: Ê nhỏ, đi Thanh Đa hôn? Tưởng đâu đi ăn cháo vịt, về khuya cũng được. Nào ngờ, chế nói cháu vịt ăn sau, coi bói trước đã. Có bà thầy ở phường 25 quận Bình Thạnh coi rất hay về tình duyên... Tui sắp lấy chồng rồi. Coi thử coi lấy ai? Nghĩ coi, đời gái của chế sắp mất, mình sợ gì đời trai. Hú hồn, 22 giờ ra cửa nhà bà thầy, bà dặn môt câu như mẹ hiền tần tảo: Khuya rồi, mấy con về cẩn thận, khúc cua này có thứ dữ đó nghen con! Lần đó, mình qua khỏi khúc cua, an toàn, chế chưa tin là bà thầy bói trật nữa sao? Bà thầy ấy ... bị mình học lóm nghề. Bà ấy rất là tâm lý: Gái à, con đẹp như vầy, đừng vội lấy ai hết. Cho má hỏi thiệt, gái còn con gái không? (Tức là còn thì bói theo hướng khác). Mèn ơi, quý quá, còn nguyên (Từ đó tui phong cho chế là Nữ hoàng trinh vẹn). Vậy là, thôi con à, ế cũng chả sao (Cái mặt bà thầy cũng ... trinh vẹn lâu năm, đằm thắm trữ tình). Chứ tưởng đâu con bị trễ cái gì rồi (Hồi năm 1995 chưa có phổ biến que thử 2 vạch như bây giờ). Rõ ràng, nghề bói phải vững tâm sinh lý học thì mới đào sâu được vấn đề.

3/ Nghề bói cũng phải biết luật nữa nghe. Cũng chế đó, giận chồng, muốn ly dị, hỏi em trai này là chia nhà, chia con ra sao? Cũng may, em trai vừa cập nhật xong kiến thức vê pháp luật: Hiến pháp 2013, Luật hôn nhân và gia đình, Luật đất đai,... Chế vẫn không tin, phải chở ra ... Thanh Đa coi bói. Coi cái gì? Chồng có mê vợ bé bồ nhí gì không? Tức là, nếu chỉ chán vợ, thì tài sản chia đôi, phụ cấp nuôi con, còn có bồ, định kết hôn với ai trẻ đẹp hơn, thì ... quần đùi cũng đòi cho bằng được, đưa ra đủ minh chứng hóa đơn mua tất cả vật liệu xây nhà, đồ gia dụng đều đứng tên vợ, chồng chỉ được 25% giá trị tài sản thôi! Tui nói, đề tài ... hơi rối so với năng lực của bà thầy bói già, bà thầy hẹn chế ... tuần sau mới làm việc lại, dạo này sức khỏe kém, sắc hương nhợt nhạt, hồn Cậu Bảy ít ghé về! (Hay là Cậu gặp xác nào ... trẻ trung trong trẻo hơn?). Chế ơi, 75% tài sản chế nắm trong tay rồi. Chỉ có chồng chế nói với tui là: Cậu em, mày làm sao chỉ tao đưa ra bằng chứng là trong những năm tháng còn vợ chồng, ông anh này làm cho chị mày sướng thật, sướng một cách danh giá đó cưng. Thiệt là, chế hiểu hôn?

4/ Thầy bói thời @, làm ơn đừng nói kiểu ... xa lộ thông tin nó là của chúng mình, đừng có nói với em là ... đám mây điện tử nè cưng ! Thầy bói ơi, thời chiến tranh, người ta mới ... rút sợi nhớ sợi thương. Chứ bây chừ, người ta rút sợi dây kinh nghiệm rồi, thầy nói dùm độ dài chính xác?

THẦY BÓI THỜI CÔNG NGHỆ 4.0

DUYÊN NGHỀ - CÀ PHÊ KHÔNG ĐƯỜNG

DUYÊN NGHỀ

1/ Năm ấy, mình 17 tuổi, dự thi Đọc diễn cảm cấp trường (Đừng có ngạc nhiên, đời mình là môt chuỗi các cuộc thi dồi dào nữ tính, đậm đà chất nhân văn). Mình bốc thăm trúng bài thơ này:

"Gái lớn ai không phải lấy chồng
Can gì mà khóc nín đi không?
Nín đi mặc áo ra chào khách
Rõ khổ con tôi, các chị trông"

Thiệt là khó cho mình đó. Có 4 câu thơ, làm sao thể hiện hết "tài năng thẩm thấu thơ ca" của mình? Cho nên, mình lựa chọn cách thể hiện khác lạ khác thường, gây tổn thương cho giám khảo và chính mình: Giọng của một Tổng quản đi tuyển cung nữ. Không ngờ, mình đóng vai ác có duyên. Tới giờ cũng vậy, mình đóng vai người mang chiếc hài ra cho Tấm thử rất là xuất thần đó ạ.

2/ Năm nay, mình 47 tuổi, muốn làm giám khảo cuộc thi Đọc diễn cảm cấp phường (Mà chưa có ai mời hết á, toàn là thi Karaoke với lại thi tấu hài không hà). Mèn ơi, bài thơ 4 câu như vầy, hầu hết Teen @ không biết đọc (Cho đúng ngữ điệu, rõ ngữ nghĩa). Chúng nó chỉ quen nhìn văn bản, lấy cái ngón tay ... chọt vào văn bản chữ ít khi ... chạm vào hồn của văn bản. Cho nên, mình sẽ vượt qua con đường dạy văn 13 năm nữa quá dài. Đủ 60 tuổi, mình về hưu thôi. Rất mong đủ duyên ... làm ông ngoại. Một ông ngoại có duyên.

CÀ PHÊ KHÔNG ĐƯỜNG

1/ Có một đồng nghiệp thắc mắc: Thấy H. một ngày lên Facebook tới mấy lần. Có vui không? Dĩ nhiên, đồng nghiệp thừa biết ... vui sao viết ra văn, không có chuyện gì mần ăn thì mới mần thơ. Thiệt lòng, có khi nào các bạn đọc những dòng hóm hỉnh của mình rồi mỉm cười và nhận ra thì ra ... người viết đang bị đời hắt hủi?

2/ Ai cũng có khoảng lòng ... dễ chạm tự ái nhất hay dễ động lòng trắc ẩn nhất. Trong giao tiếp, hễ có ai vô tình hay cố ý mà chạm tới thì ... một trời sân si hay mê đắm sẽ mở ra. Mình chế ngự nỗi buồn, xua tan nỗi giận, nâng bổng niềm khát khao bằng bút pháp hoặc tự trào hóm hỉnh, hoặc dạt dào da diết hoặc ngọt ngào tha thiết, hoặc đắng đót bao dung. Mình sống kiểu này ngót 30 năm, phát huy thì dễ, bỏ đi thì khó vô cùng. Mà viết văn, làm thơ, nếu chọn đúng đề tài, có gì sai, có gì xấu mà phải bỏ?

3/ Tất nhiên, đừng huyễn hoặc mình sẽ thành nhà văn nổi tiếng, nhà thơ tên tuổi. Nhưng không lạ, có nhiều giáo viên văn, lúc về hưu thì thành ... nhà văn trẻ. Ví dụ, rất lâu chưa gặp lại cây bút Dương Thanh Thanh - Một cô giáo dạy văn ở Cần Thơ. Tự dưng thấy nhớ giọng văn tùy bút trang nhã đằm sâu của chị. Cũng như, có một bạn trẻ, trẻ lắm, nghe mình nói chuyện vu vơ vài câu, nó kết ngay: Chú y chang thầy dạy văn của cháu ! Đúng là ngọt ngào thật, nhưng cuộc đời đắng cay của ông thầy dạy văn (của em đó), và của chính mình (và bao nhiêu người khác nữa)... mới thành đề tài của nghề văn. Có hình ảnh - sự kiện rất hay - rất đời, mà không dễ gì thành văn: Ngã tư An Sương, 10 lần thấy chị, 10 năm trôi qua, con chị đông hơn, lớn hơn... Biết chị có câu chuyện buồn rất dài, mà chị đáp một câu rất gọn: Chị già rồi, cậu ơi !

THẦY BÓI THỜI CÔNG NGHỆ 4.0

ĐẸP HƠN & ĐÁNG YÊU HƠN !!!

ĐẸP HƠN & ĐÁNG YÊU HƠN !!!

1/ Đó chính là khát khao của bao người (Tui luống tuổi còn mong được thế, huống hồ gì các bạn đang xuân). Nhờ một chữ DUYÊN, mình được hướng dẫn thực tập sư phạm một số SV Ngữ văn hoặc Quản lý giáo dục, mình muốn nói với các bạn một đề tài khá quen: CÂU CHUYỆN SƯ PHẠM trong công tác giáo viên chủ nhiệm. Với các bạn chỉ là giáo viên bộ môn (như mình bây giờ, thiệt lòng rất mong được làm GVCN mà cứ còn khao khát mãi), nên vận dụng "Câu chuyện sư phạm" vào bài giảng của mình. Đó là một cách TÍCH HỢP đạt hiệu quả giáo dục rất tốt, trong khả năng vốn có của từng giáo viên.

2/ Học trò con gái, ở lứa tuổi 16+, nếu thương chúng nó, có quá nhiều điều để dạy dỗ và hướng dẫn; nếu ... ghét chúng nó, cũng có bao nhiêu thứ ... rồi sẽ hối hận !!! Năm học 2019 - 2020, con gái mình cũng là nữ sinh trung học. Chưa nhập học ngày nào, nhờ công nghệ thông tin, chúng nó ... săm soi ra hình ảnh người thầy trẻ trung sắp dạy mình. Cũng như vậy, bạn bè nó, săm soi ra ... cha mày sẽ dạy tao ha !!! Nghe đồn cha của mày ... chửi nâng cao không hà. Đúng đấy các con, Hiền Nguyên sư phụ, có khả năng chửi nâng cao bằng hình thức "Câu chuyện sư phạm". Ít nhất, mình tự tin ở chỗ thương con người ta như thương chính con mình. Dĩ nhiên, con gái thầy thì nó được chính tay cha pha cà phê sữa cho con uống, trước hoặc sau khi bị chửi nâng cao; còn học trò, thôi thì các con vể nhà nói là cha ơi, cha pha cà phê sữa Vinamilk cho con uống nha !!!

3/ Học trò con gái - Hãy để cho các con được .... bánh bèo với người đàn ông tử tế duy nhất cho tới khi con 18+. Đó chính là cha. (Đây là nguyên nhân chính vì sao mình mãi thương những người mẹ đơn thân... Các chị đã tước mất ... cái quyền nũng nụi với cha của con mình rồi !!!). Con gái à, nếu lỡ cha các con khô cứng và khắt khe, hay là ... không có cha, thì các con đừng vội ... bánh bèo với chàng trai nào cả. Lũ đàn ông (cũng có thầy trong đó luôn nha) liệu có chịu trách nhiệm đầy đủ trước mọi người khác phái người dưng mà họ thương mến? Đây là câu chuyện dài nhiều tập mà một năm học các em sẽ nghe suốt 35 tuần, mỗi tuần là 1 chuyện, đều có đề tài giống nhau .... làm sao đừng để ... dễ bị dụ dỗ? Giữa cám dỗ cuộc đời, giữa ngọt ngào giăng mắc của đám trai đẹp, làm sao ... giữ được chén bánh bèo cha mẹ đã trao !!!

4/ Học trò con gái - Dù không có năng khiếu ngữ văn - Các con cũng chăm ngoan, và hầu hết hiểu bài, bật khóc khi biết ... nghìn vàng của Kiều bị mất... Các con 16+, đủ trí khôn để hiểu và không đứa nào dại khờ mà viết ... Mã Giám Sinh ... ăn mất ... chén bánh bèo của đời Kiều... Chỉ có mấy thằng con trai 16+, chúng mày ... thèm ăn bánh bèo dữ lắm !!! Nên nhân danh thầy giáo, ta chửi nâng cao chúng mày rằng: Đời con gái đâu thể nào chỉ là ... khúc cầm chơi cho nhân thế/ Bánh bèo Sài Gòn còn mong được là tri kỷ hồng nhan....

THẦY BÓI THỜI CÔNG NGHỆ 4.0

PHẢI TÙY DUYÊN MÀ ... CHẢNH

1/ Cũng dạy học như nhau, nhưng bạn tui như là không thể nào tin vào sự thật này: Có trường THPT riêng khối 10 đã hơn 1.000 HS, toàn trường có trên 3.000 HS. Đó là ở TP lớn, đông dân cư. Còn ở nơi bạn đang dạy, có 100 HS vào lớp 10, xếp được 03 lớp, GVCN lớp có 34 HS vẫn thấy lo lắng hơn 02 lớp còn lại, vì mỗi lớp chỉ có 33 HS, mà tỷ lệ con trai đông hơn. Như vậy, ai có con trai chưa chắc gì là chảnh nhen, rất ít GVCN thích lớp đông con trai, càng không thích lớp quá đông con trai quậy! Chỉ riêng tui là thích, cho con trai làm lớp trưởng, con gái không có cửa ... chảnh trong lớp tui, vì lẽ, nhà tui đông con gái lắm rồi !! (Mẹ chúng nó là ... má của 2 con gái chảnh).

2/ Từ sau năm 2000, rộ lên phong trào sống thật với giới tính. Ở lứa tuổi 16+, đương nhiên khẳng định giới tính là có thật. Có lời khuyên thật lòng, ai có con mà giới tính không rõ ràng lắm, nên cố gắng nhờ GV rèn cho nó thi đậu vào trường THPT có rất đông HS (thường thì điểm chuẩn khá cao). Tại sao vậy? Theo tỷ lệ "3 phần ngàn", cái tường có hơn 3.000 học trò, có khoảng một chục em nó bị sao đó, không khó giải quyết. Chúng nó sẽ tự tập hợp thành 1 đội năng khiếu (Mấy đứa nhỏ đáng thương ấy thường học rất giỏi, rất có tài lẻ về văn hóa nghệ thuật). Nghĩ coi, con mình sẽ lẻ loi lắm giữa hằng trăm đứa bạn có giới tính chuẩn, chỉ riêng nó là .... lệch lạc một mình, mà còn thường xuyên bị mắng là ... ao mày không giỏi bằng mấy thằng kia? Dĩ nhiên, rất ít bậc cha mẹ chấp nhận được sự thật là con mình có vấn đề về giới tính, cần phải được tôn trọng và tào điều kiện phát triển đầy đủ các năng lực làm người.

3/ Không cần bàn sức mạnh của đồng tiền. Riêng những ai muốn sống thực với giới tính của mình, càng cần tiền nhiều hơn nữa. Nhiều em ở tuổi Teen, bị kỳ thị, bị gia đình ruồng bỏ, bị đủ thứ gian truân khi vào đời, thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng nghề, làm sao sống trọn vẹn là người và làm người tử tế? Có một đứa học trò cũ, đủ đầycác phương diện để làm trai xinh, nhưng nó luôn đinh ninh mình là gái đẹp. Mình khuyên nó hay con cứ học Dược sĩ ĐH, đủ điều kiện mở cái nhà thuốc tây, rồi lộ thành bóng hay gay cũng được. Nó chông chênh mấy năm rồi chưa học được trường nào (Bị chọc quê là ... trường nào cũng nhiều trai đẹp !!!). Có lý do thầm lặng này ít ai quan tâm: Nó đau đớn nhận ra đời mình dở dang nhiều hơn trọn vẹn. Nó đủ kiến thức và trí khôn để hiểu rằng con gái 100% thì ... đẻ được, còn chuyển giới thì 100% như con gái, riêng thiên chức làm mẹ thì không (Xét theo trình độ Y học hiện nay. Mà vài năm nữa phụ nữ chuyển giới cũng mang thai và sinh con với sự trợ giúp của Y học, cũng cần rất nhiều tiền).

4/ Người ta tươi cười rạng rỡ khi nói là bình đẳng giới là bình đẳng năm nữ (Nói được chứ chắc gì làm được). Và ít ai hiểu là bình đẳng giới tức là bình đẳng mọi giới tính. Giả vờ hiểu vì vị trị xã hội, vì vốn văn hóa của mình, chứ vẫn .... chảnh khi nhắc tới sự khác biệt về giới, mà lỗi là ở TẠO HÓA gây ra. Có lẽ, nhà quản lý nào cũng giật mình với đề nghị nghiêm túc này: Đừng chảnh, đừng phán sớn sát, nghĩ kỹ đi, tui là GVCN thích hợp nhất cho cái lớp ... có đổi tuyển HS năng khiếu (theo định nghĩa của bài viết này).

THẦY BÓI THỜI CÔNG NGHỆ 4.0

VIẾT VỀ NỮ HOÀNG TRINH VẸN

(Không liên quan tới Nữ hoàng ngọc trai, hay bất kỳ Nữ hoàng nào khác)

1/ Cô là bà chủ nhà mà con phải chịu ơn. Con bịnh nặng, cô nói khỏi về nhà, cô lo cho: Ăn uống chăm như người mẹ. Năm ấy cô 50, con 26. Cô lớn hơn cháu 2 con giáp, cùng yêu Sài Gòn xưa, nên lắm nỗi niềm. Cô vừa nấu cơm, vừa kể về thời con gái. Cô giúp cho ông thầy giáo trẻ dạy văn hiểu rõ nội hàm từ trinh vẹn khác với trinh nguyên. Cô nói trinh nguyên là con gái nhà lành, là gia đình danh giá, giữ được đời con gái cho tới lúc lấy chồng. Còn trinh vẹn là con gái nhà khốn khó, là ra đời nhiều cám dỗ, có lúc suýt nữa mất trinh, nhờ biết giữ mình mà còn, nên gọi là trinh vẹn (Giữ vẹn một lòng trinh). Rất đúng, không hàn lâm khó hiểu, mà đời thường dung dị đáng yêu.

2/ Cô khẳng định: Cỡ như mày, may ra lấy vợ trinh vẹn, chứ khó chạm tới trinh nguyên. Cô nói đúng. Bao nhiêu cô gái nhà danh giá, giữ nguyên lòng dạ, chỉ làm bạn với mình. Vì là, mẹ của các cô ấy rỉ tai: H. nó là bạn tốt, rất tốt, nhưng làm vợ nó, con khổ, rất khổ. Các cô gái trinh nguyên thường khá ngoan. Chưa có cô nào dám cãi mẹ mà lấy mình. Thiệt mà, nhà mình cũng vâng lời bà ngoại sắp nhỏ mà lấy mình đó chứ. Cho nên, càng già, càng trải đời hơn, mình càng nghiệm ra định nghĩa về trinh vẹn của cô chủ nhà là hoàn toàn đúng. Cô chính là Nữ hoàng trinh vẹn. Cô nói, thời con gái, đi buôn thuốc lá lậu, ai giấu chỗ nào thì giấu, cô không dám giấu chỗ ... con trai hay nhìn, mấy bà đi chung xúi cô lấy chồng sớm đi, mày có nhiều chỗ giấu hàng hơn! Cô giữ được mình qua thời buôn hàng lậu (thuốc lá thôi, chứ có phải hàng trắng đâu). Cô nói, tài xế nào thấy cô lên xe cũng ngại, dừng xe giữa đồng ... đi đái, cô cũng đi ... quá xa, chờ lâu, nó quạo ! Trinh vẹn khó lắm con ơi !

3/ Cô khẳng định: Trước sau gì cũng mất, mà mất cho đáng nên ráng giữ đó con. Chú mày xuất hiện, dẫn cô thoát khỏi mấy bà buôn hàng lậu, mà cũng thương mấy bà đó lắm. Những lúc xe bị xét hàng, ai nhìn cô, mấy bả la lên: Con gái nghen mấy cha. Tránh xa nó dùm cái ! Thời của cô là thời nghèo cho sạch, nên là thấy ai con gái giữa chợ trời, thằng giang hồ cũng nghĩa hiệp chở che. Thời này, ai mà la lên như vậy, nó sẽ ... lai-trim cho thế giới ném đá bằng câu: Thiệt hả gái? Gái thiệt hả? Đúng luôn đó cô. Trai có giang hồ tứ chiến, cũng nghĩa hiệp tình trường, giữ đạo lý là không cưỡng nguyệt ép hoa. Nó giang hồ, mà nghe thầy dạy văn nói "cưỡng nguyệt ép hoa" vẫn hiểu, vẫn bắt tay nhau, đi giữa thế gian này, tao vẫn chơi đẹp, dù tao có viết sai chính tả, tao chỉ thua mày cái bằng cấp, chứ có thua gì mày cái nghĩa khí đàn ông.

4/ Chú có còn dùng cơm cùng cô? Hơn 15 năm rồi con xa cô chú. Chú không hề giận gì cô khi cô cưu mang thằng nhỏ, coi như con, dù thằng nhỏ chính xác người dưng. Rất đúng, cô trao đời con gái cho người đàn ông trượng phu, cho nên mãi mãi cô là người trinh vẹn. Cái này là ngôn ngữ của cô: Gái đẻ mấy con, quần xắn tới bẹn, tao vẫn trinh vẹn giữa đời. Con nợ cô không chỉ cái ơn của người mẹ tảo tần lương thiện, mà còn là bài học về cách dạy con gái nên người. Lẽ nào, năm học 2019 - 2020, con xây dựng chuyên đề dạy học: NỮ HOÀNG TRINH VẸN. Học trò sẽ tìm nhà cô - như một cách tri ân của con - phỏng vấn cô về các biện pháp giữ gìn thân thể, giữ để trao và chỉ trao khi xứng đáng được trao ???


👉 Bài viết phổ biến

🔰 Các phương pháp để có phản xạ giao tiếp nhanh trong tiếng trung
🔰 Ngành ngôn ngữ tiếng Nhật và cơ hội việc làm cho sinh viên
🔰 THẦY BÓI THỜI CÔNG NGHỆ 4.0
🔰 Tâm Sự Về Bí Kíp Học Tiếng Anh

Lớp trên Facebook



Hãy like facebook để nhận thông tin lớp mới thường xuyên

© 2024 - Trung Tâm Gia Sư Nhân Trí

Điện thoại: 0916 774 630

Địa chỉ: 281/122B Lý Thường Kiệt, Quận 11, TP HCM

0916.774.630